[Review Sách] “Hai Đứa Trẻ”: Tia Sáng Lóe Lên Trong Đêm Tối | Anybook.vn
Video đang hot
Đã mười mấy năm trôi qua, người đọc chúng ta vẫn không thể quên được một dáng hình khiếm nhường, từ tốn bước những bước thật nhẹ nhàng vào làng văn học hiện đại Việt Nam, mang theo những trang văn nồng nàn hồn thơ. Nguyễn Tuân đã có lời nói rằng: Sáng tác của Thạch Lam đem lại một cái gì đó nhẹ nhõm, thơm tho và mát dịu. Quả đúng như vậy, bởi một trong những nét phong cách nghệ thuật đặc trưng của Thạch Lam, ấy là sáng tác nên những truyện ngắn trữ tình như những bài thơ đượm buồn. Ta bắt gặp những cảm xúc ấy không chỉ qua “Dưới bóng hoàng lan”, “Gió lạnh đầu mùa”, mà còn ở “Hai đứa trẻ”. Ở tác phẩm này, người ta thấy một sự hội tụ đủ đầy và sâu sắc nhất những nét phong cách sáng tác mang đúng cái tạng của Thạch Lam, khi mà ông lại một lần nữa dắt chúng ta vào một phố huyện nghèo với những cảm xúc êm nhẹ, buồn thương khi chiều tàn đêm xuống.
Truyện ngắn Hai đứa trẻ là một tác phẩm tiêu biểu cho văn phong truyện không có cốt truyện của tác giả Thạch Lam. Nhà văn đã khắc họa thành công nhân vật hai chị em Liên, trong cuộc sống nghèo khổ, gian khó nhưng vẫn luôn mong chờ vào một tương lai tốt đẹp hơn. Mong chờ chút ánh sáng từ thành phố mang tới cho thị trấn nghèo khổ, tăm tối, thể hiện sự đồng cảm sâu sắc của tác giả Thạch Lam với nhân vật của mình.
1. Cảm nhận chung về tác phẩm
Hai đứa trẻ là tập truyện bao gồm những câu chuyện hết sức bình dị về làng quê, về những con người chân chất, về tình yêu thuở tuổi đương xuân tươi đẹp, … Mỗi câu chuyện như một bông hoa mới nở còn vương sương buổi sớm nhưng hợp lại thành vườn hoa ngây ngất lòng người. Mỗi câu chuyện tựa một nguyên liệu đặc trưng, song lại giao hoà lẫn nhau lại tạo nên một món canh hảo hạng. Có chất riêng, có linh hồn và biết quyến luyến tâm hồn yêu văn chương. Truyện viết về hai đứa trẻ – hai chị em cô bé bán hàng xén từ Hà Nội chuyển về cùng cha mẹ.
Câu chuyện diễn ra trong không gian phố thị nghèo, buồn bã, với những kiếp người tàn tạ: những đứa trẻ nhặt rác, bà cụ Thi hơi điên, vợ chồng ông hát xẩm mù… thời gian khi đã về khuya càng làm nổi bật sự u ám. Không gian tối thẫm, chỉ lác đác đây đó leo lét một vài ngọn đèn dầu tù mù càng mang lại vẻ thê lương. Câu chuyện chỉ bừng sáng khi chuyến tàu từ Hà Nội chạy qua ga xép. Chuyến tàu đó như mang cả quá khứ và ước mơ của hai đứa trẻ. Nó như mang sức sống của Hà Nội xa hoa đến với chúng trong chốc lát, làm bớt đi sự hiu quạnh trong tâm hồn chúng.
2. Hoàn cảnh chung của những đứa trẻ
Nghèo khó bẩn thỉu chẳng được học hành, chẳng được quan tâm, chẳng được vui chơi, phải phụ cha mẹ kiếm sống ( Chị em Liên, con chị Tý ..) Chúng có những khát vọng thầm kín: Trẻ đi nhặt rác, Liên thương những đứa trẻ, Liên thức chờ tàu chỉ để nhìn ánh sáng đoàn tàu mà lặng yên mơ tưởng. Chúng làm cho bức tranh cuộc sống phố huyện trở nên đỡ tẻ nhạt, bên cạnh cuộc sống lam lũ của người lớn và bóng tối bao bọc chung quanh, bởi vì chúng hồn nhiên chơi đùa (con bác Sẩm bò ra đất nghịch rác, chị em Liên nhìn sao tìm sông Ngân hà, ông sao Thần Nông, những đứa trẻ tụ tập vui chơi trên thềm hè..) bên cạnh chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ.
3. Cảnh chiều tàn
Đến với Hai đứa trẻ, trước hết ta cảm nhận được bức tranh phố huyện lúc chiều tàn. Truyện mở đầu bằng âm thanh của tiếng trống thu không vang xa báo hiệu một ngày dài đã kết thúc, chuẩn bị đem xuống với bao ám ảnh. Thời khắc cuối ngày thường làm con người ta buồn như một cảm xúc sẵn có. Câu văn Chiều. Chiều rồi. Một chiều êm ả như ru… tựa như một tiếng thở dài buồn bã với rất nhiều thanh bằng. Thạch Lam đã chọn đúng khoảnh khắc thời điểm chiều tàn để mở ra không gian phố huyện thanh bình, êm ả mà đượm một nỗi buồn hiu hắt. Có âm thanh buồn tẻ của tiếng ếch nhái râm ran, có tiếng muỗi vo ve. Có ánh sáng đỏ rực như hòn than sắp tàn, có dãy tre làng đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời. Thạch Lam đã đưa ta vào một miền không gian đủ cả màu sắc, âm thanh, ánh sáng, nhưng tất cả đều gợi lên một chữ buồn. Bóng tối dần lây lan, làm đôi mắt Liên ngập đầy dần, và Liên không hiểu sao nhưng thấy lòng buồn man mác…. Buồn man mác, buồn mà thấy không hiểu sao nghĩa là một nỗi buồn mơ hồ, nhưng luôn thường trực trong tâm hồn Liên mỗi buổi chiều qua.
Nỗi buồn trong Liên càng thấm thía hơn khi chứng kiến cảnh chợ tàn cùng những kiếp người tàn trong phố huyện. Dù là ngày phiên, nhưng chợ vẫn xơ xác, trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía, tất cả hiện lên cho người đọc cảm nhận một vùng quê nghèo. Thế nhưng với một cô gái nhạy cảm như Liên, cái mùi âm ẩm của đất lại khiến chị tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này.
Nổi bật hơn trên cái nền ảm đạm ấy là những đứa trẻ con nhà nghèo. Chúng tìm kiếm, nhặt nhạnh bất kỳ thứ gì còn sót lại trên nền đất âm ẩm. Nhìn những đứa trẻ bất hạnh vì miếng cơm manh áo, Liên thấy động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng nó. Thạch Lam đã nắm bắt được những rung động sâu xa trong tâm hồn Liên, những nhạy cảm với thiên nhiên và lòng trắc ẩn hướng tới những mảnh đời nghèo khó.
Đó là chị em Liên ngồi trên chiếc chõng tre dưới gốc cây bàng, thức khuya chờ tàu xuống để bán hàng, may ra còn có một vài người mua. Mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất, nhặt nhạnh bất cứ cái gì. Thằng cu con chị Tý bê xách điếu đóm và khiêng hai cái ghế trên lưng. Nó loay hoay nhóm lửa nấu nước chè phụ chị Tý. Khi đêm xuống, trẻ con tụ tập thềm hè, nói cười vui vẻ. Thằng con bác Sẩm bò ra đất nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát…
4. Màn đêm buông xuống và hình ảnh đoàn tàu
Bánh xe thời gian chuyển dần về thời khắc đêm buông, cũng là lúc phố huyện chìm trong bóng tối.
Cảnh thiên nhiên qua tâm hồn nhạy cảm và tinh tế của Liên vẫn cứ đẹp một cách thanh bình: một đêm mùa hạ đẹp như nhung và thoảng qua gió mát.” Trên bầu trời là hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, dưới mặt đất là những con đom đóm lập lòe, cùng hoa bàng rụng xuống vai Liên từng đợt.
Thế nhưng, trái ngược với bức tranh thiên nhiên mang đầy cảm hứng lãng mạn, cuộc sống nơi phố huyện lại đang bị bóng tối dày đặc bao trùm một cách ám ảnh. Bóng tối len lỏi vào con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa. Bóng tối đến lúc này không còn làm Liên sợ nữa, mà quen lắm. Không sợ nữa, nghĩa là đã từng có lúc Liên sợ, nhưng giờ đã quen, hay có lẽ vì Liên đã nhẫn nhục và cam chịu bởi không thoát ra nổi? Bóng tối ở phố huyện là một thứ đáng sợ, nó nuốt tất cả mọi âm thanh, ánh sáng le lói nào dám hiện ra. Tiếng trống canh đều đặn giờ vang ra rồi chìm ngay vào bóng tối, ánh sáng nếu có cũng chỉ là những hột sáng, khe sáng, quầng sáng – những thứ ánh sáng nhỏ nhoi, mong manh, yếu ớt, hoàn toàn bị bóng tối đẩy lùi.
Trên cái nền bóng tối đậm đặc ấy, từng người dân phố huyện lần lượt xuất hiện. Họ lầm lũi đi ra từ bóng tối, sinh hoạt trong sự tẻ nhạt và cuối cùng lại chìm khuất vào màn đêm thăm thẳm khi những hoạt động cuối cùng kết thúc. Thạch Lam không viết về những người nông dân bị rượt đuổi bởi sưu cao thuế nặng như trong sáng tác của Ngô Tất Tố hay Nam Cao, cũng chẳng phải là những ông quan Tây học, cô gái thôn quê an nhàn như trong các sáng tác của Tự lực văn đoàn. Phận người mà Thạch Lam quan tâm đến chính là những kiếp người bé nhỏ vô danh, sống một cuộc sống đen tối, nhàm chán, quẩn quanh, bế tắc đến tuyệt vọng. Thạch Lam viết về số phận và cuộc đời của họ với tất cả niềm thương cảm và xót xa của chính mình.
Đó là chị Tí ngày mò cua bắt ốc, tối đến dọn hàng nước nhưng chả kiếm được bao nhiêu. Đó là gia đình bác xẩm “ngồi trên manh chiếu, cái thau sắt trắng để trước mặt, nhưng bác chưa hát vì chưa có khách nghe”. Đó là gánh phở bác Siêu xa xỉ nhiều tiền đang có nguy cơ ế ẩm. Đó là một bà cụ Thi nghiện rượu và hơi điên. Mỗi mảnh đời khi xuất hiện lại càng tô đậm, in hằn lên dấu vết của cái đói, cái nghèo đang chực chờ.
Viết về những kiếp người vô danh ấy, Thạch Lam đã nhập thân vào nhân vật Liên để gọi ra những rung động tưởng như nhỏ bé và khó nắm bắt. Liên dành cho họ sự quan tâm, sẻ chia và đồng cảm sâu sắc. Thạch Lam đã khéo léo gợi ra cái bi kịch nhân sinh nơi những con người nhỏ bé đó, họ sống trong một cái ao đời phẳng lặng, ngày ngày lặp đi lặp lại mà không có cách gì thoát khỏi. Bóng tối đến đây không chỉ còn là một khái niệm vật lý, mà còn mang ý nghĩa biểu tượng cho cuộc đời và số phận tối tăm của những người dân nghèo nơi phố huyện.
Cái buồn của Liên không chỉ hướng đến người dân phố huyện, mà còn hướng đến chính gia đình của mình. Liên và An đã từng ở Hà Nội, một thành phố sáng rực, vui vẻ và huyên náo. Hai chị em đã từng có những tháng ngày vô tư hồn nhiên, được đi chơi bờ Hồ, được uống những cốc nước lạnh xanh đỏ. Tuy nhiên, do ba bị mất việc, cả nhà phải về quê để sống. Giữa lứa tuổi mà ăn chưa no lo chưa tới, Liên và An đã phải đỡ đần mẹ, lo toan cho cuộc sống của gia đình. Hai chị em cùng nhau trông hàng giúp mẹ ở một gian hàng nhỏ thuê lại của bà lão móm, ngăn ra bằng phên nứa dán giấy nhật trình. Hai đứa trẻ không chỉ sống một cuộc sống khó khăn, nghèo khổ, mà điều chúng ta xót xa hơn là đời sống tinh thần đang dần chìm vào bóng tối. Hai đứa trẻ ngày ngày phải giam mình trong một không gian quẩn quanh, tối tăm và đầy tẻ nhạt, chỉ có thể nghĩ về quá khứ tươi đẹp mà chẳng thể đi xa hơn.
hế nhưng, vốn là một con người yêu mến và trang trọng trước sự sống, ngòi bút của Thạch Lam không muốn dìm mãi người đọc trong bóng tối, trong cái đói nghèo tuyệt vọng, mà còn tha thiết hướng con người về phía ánh sáng của sự sống, hướng họ tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thạch Lam sinh ra là để hoá giải hai khuynh hướng sáng tác, có lẽ điều ấy được thể hiện rõ nhất qua cảnh đợi tàu nơi phố huyện – cảnh bộc lộ rõ nhất cảm hứng lãng mạn của nhà văn.
Nếu như ví cuộc sống nơi phố huyện là một bầu trời đêm sâu thẳm, đen tối và mờ mịt, thì chuyến tàu đêm chính là một ngôi sao băng vụt qua nền trời ấy. Dù chỉ xuất hiện trong giây lát, nhưng nó đã thắp sáng rực rỡ nơi phố huyện nghèo và để lại cái đuôi sáng loà của nó – ước mơ về một cái gì tốt đẹp hơn cho sự sống nghèo khổ của họ.
Không phải ngẫu nhiên mà Thạch Lam lại tập trung bút lực một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng đến thế trong cảnh con tàu đi qua phố huyện. Đoàn tàu không chỉ là một hoạt động cuối cùng của đêm khuya, mà còn mang một ý nghĩa biểu tượng về quá khứ và ước mơ. Nếu như những người dân nơi đây đợi chuyến tàu để bán thêm được chút hàng, thì đối với chị em Liên, con tàu là một quá khứ tươi đẹp. Đoàn tàu mang lại một thứ ánh sáng khác, âm thanh khác, cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.
Ngay từ khi đoàn tàu chưa xuất hiện, nó đã được tất cả người dân phố huyện mong ngóng, trong đó có hai chị Liên. Bé An, dù mắt đã díu vào vì buồn ngủ, nhưng vẫn cố dặn chị: Tàu đến chị đánh thức em dậy nhé.
Thế rồi đoàn tàu xuất hiện bắt đầu bằng tiếng reo của bác Siêu: Đèn ghi đã ra kia rồi. Đoàn tàu đến gần hơn bằng ngọn lửa xanh biếc như ma trơi cùng tiếng còi từ đâu vang lại. Lúc này An và Liên đã đứng hẳn lên, ngắm nhìn con tàu say sưa và chăm chú. Đoàn tàu kia rầm rộ đi tới, đồng và kền lấp lánh, các ô cửa kính sáng. Trong những toa hạng sang ấy lố nhố những người, và sáng trưng. Con tàu như một tia hồi quang đưa hai chị em Liên ngược dòng về quá khứ, về Hà Nội đẹp vô tận và bạt ngàn niềm vui. Liên chìm trong những hồi tưởng đẹp đẽ đó cho đến tận khi con tàu lại tiếp tục chuyển bán, lại lao vào màn đêm. Tàu đã vụt qua rồi, nhưng hai chị em còn dõi theo cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi…
Chuyến tàu đêm chỉ xuất hiện trong giây lát, nhưng nó thực sự đã gọi về một quá khứ huy hoàng, một hiện tại mong manh, một tương lai mù mịt. Dư âm của nó để lại khiến Liên bâng khuâng thấy mình sống giữa bao sự xa xôi.
5. Hình tượng trẻ em
Nói hình ảnh trẻ em là hình tượng, nghĩa là hình ảnh ấy chứa đựng tư tưởng tình cảm và giá trị thẩm mỹ của tác phẩm. Nhan đề tác phẩm là Hai Đứa Trẻ, Thạch Lam đã lưu ý người đọc về hình tượng trẻ em trong tác phẩm. Không chú ý điều này, khi đọc tác phẩm sẽ có thể nhìn lệch hướng chủ đề, dù rằng nhân vật trung tâm là Liên, truyện của cô bé tên Liên, mới lớn.
Thạch Lam lưu ý người đọc về tình cảnh trẻ em không được học hành, không được vui chơi, phải lam lũ phụ cha mẹ kiếm sống. Khát vọng của chúng là khát vọng về một thế giới rực rỡ ánh sáng, nhưng chúng phải sống trong hoàn cảnh khó nghèo, tăm tối, tù đọng, không có ngày mai. Qua đó Thạch Lam thể hiện tình cảm nhân đạo. Thạch Lam yêu thương trẻ em, hiểu thấu những khát vọng thầm kín mơ hồ của chúng, lên tiếng nói đòi phải trả lại tuổi thơ cho trẻ. Đoạn văn tả tâm trạng Liên đứng nhìn tàu là một đoạn văn đầy xúc cảm.
Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu. Đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và yên lặng.
6. Thay lời kết
Ngòi bút của Thạch Lam quả rất tài tình khi khám phá những vùng bí mật, những cái đẹp khẽ khàng bằng một cách lặng lẽ, thâm trầm. Có lẽ, ông đã gói ghém cả lòng mình trong từng câu chuyện. Cẩn thận tỉ mỉ khai thác từng cái đẹp lẩn khuất. Nhẹ nhàng đưa người đọc đến khám phá cảm xúc, cảm giác, tâm trạng và cái hồn của nhân vật. Câu chữ của ông như nhảy múa, dây dưa với nỗi buồn và níu kéo người đọc. Quả thực, càng đọc tôi càng mê mẩn, bị cuốn hút, thấm sâu vào tâm hồn không dứt ra được …
Nghệ thuật chân chính phải là nghệ thuật vị nhân sinh, vì con người và cuộc đời. Nhà văn chân chính phải biết lấy chất liệu từ cuộc sống mà dệt nên những trang văn để đời. Một lần nữa, Thạch Lam đã làm được điều đó trong “Hai đứa trẻ”. Nhà văn không chỉ để “nắng trong vườn”, mà còn vẽ nắng thật đẹp trong lòng mỗi chúng ta…
Review chi tiết bởi: Hương Trà – Bookademy
Hình ảnh: Hương Trà – Bookademy
————————————————–
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy – Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “Tên tác giả – Bookademy.” Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
[Review Sách] “Hai Đứa Trẻ”: Tia Sáng Lóe Lên Trong Đêm Tối | Anybook.vn
Nguồn:
Anybook.